Mang thai tuần thứ 29, mẹ và bé đã bước vào giai đoạn thứ 3 cũng là giai đoạn cuối cùng của thai kỳ. Lúc này, cơ thể của mẹ và bé đều có những thay đổi rõ rệt.
Vậy những thay đổi đó là gì? Sau đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé để có sự chuẩn bị tâm lý cũng như sức khỏe sẵn sàng cho việc vượt cạn sắp tới nhé!
1. Cơ thể và tâm lý của mẹ
– Cơ thể: Vào thời điểm này, trọng lượng của mẹ sẽ tăng từ 9,5 đến 12,5 kg, khoảng cách từ phần đỉnh tử cung tới rốn khoảng 8,5 cm đến 10 cm. Kích thước của bụng mẹ ngày càng lớn hơn, dẫn đến bàng quang bị bụng chèn ép, làm mẹ sẽ phải đi vệ sinh nhiều hơn trước.
Lúc này, mẹ sẽ phải đối mặt với các triệu chứng khó chịu như phù chân, đau lưng và thay đổi hormone sẽ làm mẹ có cảm giác mệt mỏi, khó ngủ.
Vào tuần 29, mẹ cũng thấy mình chậm chạp và vụng về hơn. Bởi vì bây giờ mẹ không chỉ nặng nề hơn, mà trọng lượng dồn ở bụng bầu còn làm cho trọng tâm cơ thể mẹ thay đổi.
Do sự thay đổi của hormone, các dây chằng và các khớp xương lỏng hơn khiến mẹ dễ mất thăng bằng. Việc các dây chằng giãn đó cũng khiến chân thường xuyên trong tình trạng phình to gấp rưỡi kích thước ban đầu.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể xuất hiện một số hiện tượng khác trong tuần này như: bầu vú xuất hiện nhiều sữa non hơn các tuần trước đó, bụng rạn, một số bộ phận khác (ngực, hông, đùi) bị sưng phù, nhiệt độ cơ thể tăng…
– Tâm lý: Sự thay đổi về hormone trong suốt thai kỳ cộng thêm những triệu chứng khó chịu kết hợp cùng cảm giác lo lắng cho cuộc vượt cạn sắp tới. Điều đó, khiến mẹ khiến mẹ gặp phải các cảm giác chán nản, ủ ê, ngày một cáu kỉnh và kích động, lo lắng.
Cần lưu ý rằng nếu tình trạng này kéo dài và có chiều hướng nặng hơn mẹ cần nhờ tới sự giúp đỡ từ các bác sĩ. Nếu để tình trạng này kéo dài mà không được khắc phục và cải thiện sẽ rất dễ khiến mẹ bầu mắc chứng trầm cảm thai kỳ.
2. Thai nhi
Bước vào tuần thứ 29, thai nhi có trọng lượng khoảng 1,2 – 1,25 kg và chiều dài tính từ đầu đến gót chân đạt 32 – 35cm (từ đầu đến mông khoảng 24 – 26 cm).
Lúc này, đang có hơn 0,8 lít nước ối bao quanh bé, nhưng khối nước này sẽ giảm đi khi bé ngày một lớn lên và chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung của bạn.
Lúc này, không gian trong tử cung trở nên chật chội, bé sẽ thực hiện một số động tác như chuyển khuỷu tay và đầu gối, cuộn tròn, bắt chéo chân.
Thị lực của bé tiếp tục phát triển dần, lông mi mọc dài hơn trước và mắt bé cũng có thể chớp chớp. Tròng mắt đã xuất hiện một ít màu sắc.
Ngoài ra, phần đầu của bé cũng to dần lên để tạo không gian cho não phát triển. Hệ thống tiêu hóa của bé đã có sự phối hợp nhịp nhàng, hầu hết các bộ phận trong cơ thể bé đã đi vào hoạt động.
3. Những điều mẹ cần lưu ý
– Chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý: nên ăn các món ăn giàu chất sắt (thịt nạc, cá, đậu lăng, rau chân vịt, rau lá xanh, ngũ cốc), các loại rau và trái cây.
– Đi giày đế thấp và kích cỡ thoải mái để di chuyển được dễ dàng hơn và tránh hiện tượng phù nề.
– Tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đi bơi, yoga… Mỗi ngày khoảng 15 – 20 phút.
– Thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
– Hạn chế quan hệ tình dục và nếu quan hệ cần có tư thế an toàn, tránh xâm nhập sâu và tránh có tốc độ quá nhanh, mạnh…
Thụy Anh