Trẻ sơ sinh có làn da mỏng manh, non nớt nên rất dễ bị kích ứng và bị mắc một số bệnh ngoài da như hăm tã, mụn kê, mụn nhọt, phát ban… Chính vì vậy, mẹ cần tìm hiểu về các bệnh này để biết cách chăm sóc da cho bé hợp lý và khoa học.
Mụn kê.
Do sự ứ đọng của chất bã khiến trẻ xuất hiện mụn kê. Kê là những nốt nhỏ màu trắng đục nhô lên da, thường mọc ở vùng trán, mũi, gò má, hoặc có thể xuất hiện ở bắp tay, lưng…
Thường thì mụn kê sẽ tự mất sau vài tuần lễ. Vì vậy, mẹ hãy tắm cho trẻ sơ sinh nhẹ nhàng, không nên kỳ mạnh tay.
Phát ban.
Sau khi sinh vài ngày, trẻ có thể xuất hiện những mảng ban đỏ, có kèm theo đầu mủ màu trắng vàng trên mỗi nốt ban. Ban thường nổi trên người hoặc có thể trên mặt, tay và chân của bé.
Những nốt ban đỏ sẽ tự biến mất khi trẻ sơ sinh được khoảng từ 7-10 ngày tuổi.
Trẻ sơ sinh bị hăm tã.
Hăm tã sẽ khiến trẻ sơ sinh cảm thấy khó chịu và có thể gây ra viêm nhiễm da của bé nếu không chăm sóc cẩn thận.
Mẹ cần thay tã thường xuyên cho bé, giữ cho bé luôn sạch sẽ và khô ráo. Rửa và vệ sinh cẩn thận cho bé sau mỗi lần bé đại tiện.
Mẹ chú ý, nên để tã của bé lỏng một chút và sử dụng loại tã có lỗ thoáng khí sẽ giúp hạn chế tình trạng hăm tã.
Chàm sữa.
Chàm sữa thường gặp ở trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi, xuất hiện trên mặt, hai bên má, có thể lan ra thân mình…
Lúc đầu bệnh là những mẩn đỏ, rồi trở thành mụn nước li ti, đỏ, nứt da, rịn nước, đóng mày và tróc vảy.
Mẹ cần vệ sinh mặt và miệng cho bé sau mỗi lần ăn hoặc bú sữa. Cho bé ăn uống như bình thường, nhưng cần hạn chế một số thực phẩm như: trứng, mỡ động vật, hải sản, nội tạng động vật,… Vì những thực phẩm này có thể làm chàm sữa nặng hơn.
Chàm sữa là bệnh dễ tái phát, vì vậy cần theo dõi và đưa bé đi khám chuyên khoa để biết cách điều trị thích hợp và khoa học.
Rôm sảy.
Mùa nắng nóng, trẻ thường ra mồ hôi nhiều nên rất dễ mọc rôm sảy mọc ở lưng, ngực, bắp tay, bắp chân…
Mẹ nên cho bé mặc quần áo mỏng, nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt. Có thể tắm rửa cho trẻ bằng các loại nước từ lá mướp đắng, lá chè xanh… Nên thường xuyên lau người cho trẻ sơ sinh bằng khăn mát và tránh làm trầy xước các vết rôm sảy.
Mụn nhọt.
Mụn nhọt ở trẻ sơ sinh thường sưng đỏ, gây đau nhức khiến bé quấy khóc, giảm ăn ngủ.
Mẹ cần tắm rửa thường xuyên cho bé bằng nước sạch, dùng vải mềm kỳ da và tránh làm trầy xước.
Mẹ đang cho con bú không nên ăn uống quá nhiều quả ngọt, nước đường. Một số loại quả ngon có tính nóng rất dễ gây mụn nhọt như: dứa, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm… mẹ nên hạn chế ăn.
Đối với trường hợp chỉ có 1-2 nốt mụn, mẹ có thể bôi cồn iốt hoặc dùng cao tiêu nhọt dán lên chỗ nhọt đang mọc. Nhọt đã mềm, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để chích tháo mủ.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị mọc nhiều mụn nhọt, nên cho bé đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị.
Lưu ý: Mụn nhọt mọc ở môi trên, cánh mũi cần phải thận trọng, tuyệt đối không tự ý nặn.
Y Vũ (t/h)